Tin tức

Bảo vệ trẻ trước đại dịch COVID-19

12 October, 2021

Chia sẻ:

Ba mẹ cần biết cách phòng ngừa và hướng dẫn cho con các biện pháp giảm thiểu nguy cơ bị lây nhiễm COVID – 19. Bên cạnh đó, khi trẻ có triệu chứng bệnh, ba mẹ cũng cần biết cách theo dõi và xử trí tại nhà.

1. Vì sao trẻ em cần phải được bảo vệ trước COVID – 19?

Trẻ em ở bất kỳ lứa tuổi nào, cũng có thể mắc COVID-19. Tại các nước có dịch đang lưu hành, ước tính tỷ lệ trẻ em dưới 18 tuổi bị mắc COVID-19 có triệu chứng nằm trong khoảng từ 15 – 20%. Tại TP.HCM, trẻ em dưới 19 tuối chiếm khoảng 25% dân số, tức khoảng 2,5 triệu người. Nếu cuộc sống dần trở lại và chúng ta buộc thích nghi với COVID-19 hay sống chung với COVID-19, thì việc các biện pháp phòng ngừa không được kiểm soát tốt sẽ khiến số lượng trẻ em nhiễm bệnh tăng cao.

Hãy xem khả năng COVID-19 có diễn tiến nặng hơn hay không? Các số liệu cho thấy trẻ nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng chiếm khoảng 15 – 30 %, trẻ em thường có triệu chứng và diễn tiến bệnh nhẹ hơn ngưới lớn. Tuy nhiên, trẻ dưới 1 tuổi lại có nguy cơ mắc các triệu chứng nặng cao hơn và nhập viện nhiều hơn. Đặc biệt, các trẻ có bệnh nền như: hen suyễn trung bình đến nặng, trẻ béo phì, trẻ mắc các bệnh mạn tính nặng khác như ung thư, bệnh tim mạch… thì bệnh sẽ diễn tiến nặng và có nguy cơ tử vong cao hơn. Các triệu chứng nặng do COVID-19 ở trẻ em có thể bao gồm: viêm phổi nặng, khó thở, sốc hoặc rối loạn đông máu…

Hiện nay Việt Nam đang nỗ lực tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người trên 18 tuổi. Tại các nước khác, trẻ em từ 12 – 17 tuổi đã được tiêm vaccine và hiệu quả của việc tiêm vaccine cho trẻ 5 – 11 tuổi cũng đang được nghiên cứu. Tại nước ta, do nguồn vaccine còn hạn chế, nên Bộ Y tế hiện chưa thông qua quyết định tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi. Do đó, nếu chúng ta phòng ngừa và kiểm soát lây truyền không tốt, khi các biện pháp giãn cách xã hội dần nới lỏng, số lượng mắc COVID-19 ở trẻ em có thể sẽ tăng lên và tỷ lệ trẻ nhập viện cũng sẽ tăng. Tại Hoa Kỳ, trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, khi các trường học mở cửa trở lại và các biện pháp giãn cách được nới lỏng, người ta thấy số lượng trẻ em nhâp viện do COVID-19 tăng, số trẻ trên 12 tuổi chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhập viện cao hơn gấp 10 lần nhóm trẻ đã tiêm loại vaccine này.

2. Phụ huynh cần phải thực hiện các biện pháp gì để bảo vệ con trẻ trước mối nguy COVID – 19?

2.1. Biện pháp phòng ngừa:

Ba mẹ cần hướng dẫn cho con trẻ cách phòng ngừa COVID-19, bao gồm:

  • Giữ khoảng cách nơi công cộng để hạn chế lây lan bệnh. Khoảng cách tối thiểu là 2 mét khi tiếp xúc người với người
  • Hướng dẫn cho trẻ trên 2 tuổi luôn đeo khẩu trang ở nơi công cộng
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước ít nhất 20 giây, nếu không có sẵn vòi nước thì sát khuẩn tay bằng dùng dịch nước rửa tay nhanh có ít nhất 60% cồn
  • Tránh thói quen đưa tay sờ lên mặt, nhất là mũi, miệng và mắt 

2.2. Khi trẻ có triệu chứng bệnh:

Trẻ mắc COVID-19 có thể không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng sốt và/hoặc ho hoặc chảy mũi nước hoặc nhức đầu, tiêu chảy .

Nếu con bạn bị sốt, ho hoặc có các triệu chứng khác của COVID-19, hãy gọi cho bác sĩ hoặc trung tâm y tế có chức năng theo dõi & điều trị COVID-19 tại địa phương. Bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên phải làm gì và liệu con bạn có cần đi khám bệnh hoặc nhập viện hay không. Có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt tại nhà với liều 10-15 mg cho mỗi kg cân nặng, cách mỗi 6 giờ. Ví dụ: trẻ nặng 20kg thì ba mẹ cho dùng liều hạ sốt khoảng 200mg đến 300mg mỗi lần uống.

Sick child laying at home, having temperature, temperature measurement.

Nếu bạn đang chăm sóc trẻ tại nhà, nhân viên y tế sẽ cho bạn biết những triệu chứng cần theo dõi. Một số trẻ bị COVID-19 đột nhiên trở nặng hơn, thường trong khoảng một tuần. Bạn nên gọi trợ giúp khẩn cấp hoặc cho bé nhập viện ngay lập tức nếu con bạn có một hay nhiều dấu hiệu sau:

  • Khó thở, thở nhanh: nhịp thở > 60 lần/phút ở trẻ dưới 2 tháng, thở nhanh >50 lần/ phút ở trẻ 2 – 12 tháng, hoặc >40 lần/phút ở trẻ >1 tuổi
  • Đau hoặc tức ngực
  • Môi tái hoặc da xanh xao
  • Đau bụng dữ dội
  • Rối loạn hành vi hoặc lơ mơ
  • Không tỉnh táo hoặc ngủ li bì khó đánh thức
  • Bú khó hoặc bỏ bú ở trẻ nhũ nhi

Nếu trẻ có triệu chứng sốt, ho nhẹ, bạn nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nếu nhiệt độ cao từ 38,5 độ C trở lên, uống nhiều nước hơn, ăn uống đủ chất và nấu mềm, lỏng, dễ tiêu, có thể dùng các loại thuốc ho thảo dược cho trẻ em, giữ ấm, cho trẻ ngủ nghỉ nhiều

2.3. Tăng sức đề kháng cho trẻ là rất quan trọng, vậy phụ huynh cần tập trung chế độ dinh dưỡng và vận động như thế nào?

Xin lưu ý, COVID-19 diễn tiến nặng hơn ở nhóm trẻ có bệnh nền: béo phì, hen suyễn, tim mạch nặng hoặc ung thư…

Chúng ta biết tỷ lệ trẻ em thừa cân béo phì tăng dần trong các năm vừa qua, theo số liệu của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì năm 2010 là 8,5%, đến năm 2020 tăng gấp đôi, là 19%. Việc trẻ không được đến trường, hạn chế các hoạt động về thể chất trong suốt 4 tháng vừa qua và có khả năng sẽ còn tiếp tục trong một thời gian nữa, có thể khiến tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì tiếp tục tăng. Do đó, ba cha mẹ nên lưu ý các hoạt động thể chất cho con tại nhà và lựa chọn các chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bé.

Về điều trị bệnh nền, trong suốt 4 tháng dịch bệnh bùng phát, tỷ lệ trẻ em khám ngoại và điều trị nội trú tại các bệnh viện nhi giảm rất nhiều, ở mức giảm hơn 50% bệnh nhi nội trú và giảm gần 75% bệnh nhi khám ngoại trú. Các khoa có điều trị nội trú như hô hấp, đặc biệt là bệnh hen suyễn, các bệnh tim mạch, nội tiết, ung thư đều giảm. Trong thời gian này, các bệnh nhi có được thăm khám và theo dõi? Như vậy hệ thống y tế cũng như gia đình cần tạo điều kiện tái tổ chức gần như bình thường trở lại, cũng như gia đình cần lưu ý để các trẻ có bệnh nền được theo dõi và chăm sóc y tế tốt hơn.