Tin tức

Bệnh Bạch hầu và những điều cần biết

30 June, 2020

Chia sẻ:

Bạch Hầu là một bệnh truyền nhiễm hiếm gặp ở Việt Nam đã lâu, và đây là một bệnh đã được nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia cho trẻ em. Vậy mà trong những năm gần đây đã xuất hiện trở lại, tuy rải rác nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến sức khoẻ, tiêm chủng vác xin và cách ly, theo dõi trong các cơ sở khám bệnh chữa bệnh và ngoài cộng đồng

Bệnh Bạch hầu là gì, tại sao lại khiến cho mọi người lo lắng và làm thế nào để phòng ngừa và kiểm soát bệnh trong bệnh viện và ngoài cộng đồng?

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra.

Bệnh bạch hầu lây truyền qua đường nào?

Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang trùng bởi các chất tiết từ đường hô hấp hoặc qua các chất dịch ở sang thương ngoài da có chứa vi khuẩn bạch hầu.

Các dấu hiệu lâm sàng

Biểu hiện lâm sàng của bệnh Bạch hầu tuỳ thuộc vào biểu hiện nhiễm trùng tại chỗ, tình trạng miễn dịch của bệnh nhân, và mức độ lan tràn độc tố trong máu, thường gặp:

Bạch hầu mũi

Giống như một trường hợp viêm đường hô hấp cấp, đặc biệt có chảy mũi nước và triệu chứng toàn thân nghèo nàn, dần dần chất dịch mũi trở nên nhầy quánh và đôi khi có máu và làm tổn thương bờ môi trên.

Bạch hầu họng – Amiđan

Biểu hiện chán ăn, bất an, sốt nhẹ (nhiệt độ thường trong khoảng 380C- 38.50C). Viêm họng. Trong vòng 1-2 ngày màng giả xuất hiện. Hạch bạch huyết vùng cổ phản ứng có khi phù nề vùng mô mềm của cổ rất trầm trọng tạo thành triệu chứng được gọi là dấu cổ bò “Bull neck”. Đây là triệu chứng rất nặng nề, có khi gây xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hoá và tiểu ra máu, tình trạng này kéo dài trong vài ngày, nhanh chóng chuyển sang nhiễm độc năng và tử vong.

Bạch hầu thanh quản

Thông thường sự lan xuống của màng giả từ họng. Bệnh nhân khó thở dữ dội, tiếng rít thanh quản, khàn giọng (cần phân biệt với các trường hợp viêm thanh quản do các nguyên nhân khác). Thỉnh thoảng xuất hiện khó thở đột ngột do tắt nghẽn vì một phần màng giả bóc ra bít đường thở gây tử vong.

Các phương pháp chẩn đoán bạch hầu

Lâm sàng chẩn đoán sớm là dựa vào các yếu tố sau: Trẻ có tiếp xúc trước đó với nguồn bệnh, tiền sử chủng ngừa không rõ ràng, có các dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ như: Sốt nhẹ, ho, và đau họng, giọng khàn. Khám họng có ít giả mạc ở một hoặc 2 bên Amygdales.

Chẩn đoán phân biệt với viêm họng, viêm amiđan mủ, nấm Candida Albican ở vùng miệng …Trường hợp Bạch hầu thanh quản phải phân biệt với khó thở thanh quản do các nguyên nhân khác (Dị vật đường hô hấp, áp xe chung quanh hoặc thành sau họng).

Các biến chứng của bệnh bạch hầu

Có 2 loại biến chứng quan trọng: Biến chứng do màng giả lan rộng và biến chứng do độc tố gây nên.

– Bạch hầu chẩn đoán và điều trị muộn: màng giả phát triển và lan nhanh xuống phía dưới thanh – khí phế quản sẽ gây tắc nghẽn đường hô hấp. Nếu cấp cứu không kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng.

– Viêm cơ tim có thể xảy ra ở cả hai trường hợp bạch hầu nặng và nhẹ, nhất là khi có tổn thương tại chỗ lan rộng và khi có sự trì hoãn trong chỉ định kháng độc tố. Tỷ lệ viêm cơ tim là 10% – 25%. Tỷ lệ tử vong do viêm cơ tim là 50% – 60%. Biểu hiện lâm sàng có thể nghe tiếng tim mờ, tiếng ngựa phi … Viêm cơ tim có thể xuất hiện rất sớm vào những ngày đầu tiên của bệnh hoặc trễ hơn vào tuần thứ 4 đến tuần thứ 6. Đây là một biến chứng trầm trọng đòi hỏi sự chăm sóc theo dõi chặt chẽ, tỉ mỉ và điều trị tích cực.

– Ngoài ra còn có biến chứng thần kinh thường xuất hiện sau một thời gian muộn hơn. Liệt khẩu cái cả hai bên và thường liệt vận động, liệt phần mềm của lưỡi gà tuần thứ 3, liệt cơ vận nhãn thường xuất hiện tuần thứ 5, nhưng cũng có thể xuất hiện trong tuần đầu, là nguyên nhân gây cho bệnh nhân nhìn mờ và lác mắt. Viêm dây thần kinh cơ hoành, gây liệt cơ hoành (thường ở tuần thứ 5 đến tuần thứ 7). Liệt các chi hoàn toàn (hiếm gặp). Hầu hết các biến chứng thần kinh sẽ phục hồi hoàn toàn trong nhiều tuần đến nhiều tháng.

Các phương pháp điều trị bệnh bạch hầu

– Điều trị trung hoà độc tố bằng SAD (Serum anti diphterique): Liều kháng độc tố được cho tuỳ thuộc vào thể lâm sàng nhẹ, nặng và thời gian từ khi bị bệnh đến khi cho SAD

– Điều trị loại bỏ vi khuẩn bằng kháng sinh: Kháng sinh không thể điều trị thay thế kháng độc tố nhưng rất cần thiết để ngăn chặn sự sản xuất tiếp tục độc tố của vi khuẩn.

– Điều trị hỗ trợ: Nghỉ ngơi, nước điện giải, khai khí quản, prednisone và chủng ngừa sau thời kỳ hồi phục vì một nửa trường hợp sau khi hồi phục không có được miễn dịch với bệnh bạch hầu và tiếp tục có khả năng bị tái nhiễm

Phòng ngừa bạch hầu

Phòng bệnh Bạch hầu cho trẻ <1 tuổi, thực hiện theo chương trình tiêm chủng mở rộng bằng chủng ngừa vac xin: Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván. (Tham khảo lịch tiêm chủng tại đây)

Người thân được xem như người tiếp xúc với bệnh. Tiêm một liều biến độc tố bạch hầu và điều trị Benzathine Pénicilline hoặc Erythromycine .

Người mang mầm bệnh không có triệu chứng nếu phát hiện được vi khuẩn do nuôi cấy thì tiêm một liều biến độc tố bạch hầu, cho Pénicilline hoặc Erythromycine 7 -10 ngày và cần được theo dõi các biến chứng.

TS.BS.CKII.Nguyễn Thị Thanh Hà,
Chủ tịch Hội KSNK BVQT Hạnh Phúc