Tin tức

Các cơ sở y tế chủ động ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới

7 May, 2020

Chia sẻ:

Để bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã chủ động nâng cấp các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ngoài bảo đảm đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt chuẩn, các cơ sở y tế […]

Để bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã chủ động nâng cấp các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ngoài bảo đảm đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt chuẩn, các cơ sở y tế cũng siết chặt tất cả bệnh nhân đến khám có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng đều được coi là có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 (F1).

Chủ động phòng, chống dịch bệnh

Theo ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc (BVQT Hạnh Phúc), ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, bệnh viện đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, như: Thành lập hội đồng, ban chỉ đạo quản lý và đội phản ứng nhanh riêng với dịch bệnh Covid-19 nhằm đáp ứng mọi tình huống, xây dựng các quy trình và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh tuân thủ theo sự hướng dẫn liên tục của Sở Y tế và Bộ Y tế.

TS.BS CKI Lê Thị Thu Thảo, Giám đốc Y khoa, Chủ tịch Hội đồng Y khoa BVQT Hạnh Phúc, cho biết: “BVQT Hạnh Phúc luôn sở hữu nguồn lực sẵn sàng, chủ động xây dựng kế hoạch và ứng phó nhanh với dịch bệnh Covid-19 áp dụng đồng bộ và đồng loạt cho cả bệnh viện và các phòng khám tại TP.Hồ Chí Minh với mục tiêu ưu tiên hàng đầu là không để dịch bệnh Covid-19 lây nhiễm chéo trong bệnh viện, bảo đảm an toàn cho bệnh nhân và nhân viên y tế”.

Công tác đào tạo nhân viên y tế, truyền thông đến khách hàng được bệnh viện thực hiện từ rất sớm, ngay từ 17-12-2019 và liên tục đến nay, căn cứ theo quy định và chỉ đạo từ Sở Y tế, Bộ Y tế. Tất cả nhân viên y tế bệnh viện được cập nhật thông tin, được đào tạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thông qua các buổi tập huấn, diễn tập giả định, được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động: khẩu trang, trang phục dùng một lần theo chuẩn Bộ Y tế để bảo đảm phòng ngừa bị phơi nhiễm. Ngay từ ngày 3-2, bệnh viện đã thực hiện sàng lọc đối với tất cả nhân viên, khách hàng, bệnh nhân, thân nhân và đối tác… trước khi vào. Khách hàng khi đến bệnh viện được đo thân nhiệt, hướng dẫn rửa tay thường xuyên, luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2m, thực hiện khai báo y tế online; thực hiện khai báo y tế online qua hệ thống ki-ốt ngay cổng ra vào: người dùng sử dụng bàn phím ảo trên màn hình để khai báo tên tuổi, địa chỉ, yếu tố dịch tễ liên quan, các triệu chứng gợi ý nghi nhiễm, những mối liên hệ tiếp xúc với người nghi nhiễm hoặc nhiễm… sát khuẩn tay trước và sau thao tác. Công tác phân luồng bệnh nhân được thực hiện nghiêm ngặt, khách vào bệnh viện đi theo 1 trong 2 cửa sàng lọc (cửa dành cho khách hàng sản phụ, người lớn hoặc cửa dành cho khách hàng nhi), khách, bệnh nhân xuất viện đi ra bằng cửa chính bệnh viện (tách biệt riêng với cửa sàng lọc).

Phòng cách ly cũng dành cho tất cả trường hợp nghi nhiễm Covid-19 đã được bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng ngay từ đầu. Bệnh viện cũng nhanh chóng bố trí đưa vào sử dụng “phòng khám sàng lọc và cách ly tạm thời container” được đặt bên ngoài tòa nhà bệnh viện, để khám cho các khách hàng có yếu tố dịch tễ hoặc triệu chứng nghi nhiễm Covid-19, bảo đảm môi trường bên trong bệnh viện không bị lây nhiễm chéo từ bệnh nhân sang bệnh nhân hoặc từ bệnh nhân sang nhân viên y tế và ngược lại.

Từ lúc dịch bệnh bùng phát đến nay, cán bộ công nhân viên Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bình Dương luôn trong tâm thế “chống dịch như chống giặc”. Trao đổi với chúng tôi, BS. Trần Quốc Thành, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bình Dương, cho biết ngay những ngày đầu mùa dịch, bệnh viện đã thành lập ban chỉ đạo và đội phòng, chống dịch cùng các chính sách hỗ trợ cho những chiến sĩ tiền tuyến. Khi nhận được kế hoạch, văn bản của Bộ Y tế, Sở Y tế và các ban ngành có liên quan về công tác phòng, chống dịch bệnh, bệnh viện triển khai ngay các hoạt động phòng, chống dịch bệnh cụ thể dựa vào điều kiện thực tế của đơn vị.

Theo đó, bệnh viện siết chặt việc thực hiện khám chữa bệnh, đặc biệt là người bệnh và người nhà ra vào bệnh viện, bảo đảm 100% người vào bệnh viện đều được đo thân nhiệt, vệ sinh tay, đeo khẩu trang và thực hiện tờ khai y tế nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ hoặc có yếu tố dịch tễ. Đối với người bệnh có nghi ngờ sẽ được thực hiện cách ly, thăm khám theo quy trình tiếp nhận và xử trí người bệnh nghi ngờ nhiễm Covid-19 đã được ban hành. Với người bệnh bình thường thì tiếp tục thực hiện theo quy trình khám chữa bệnh thông thường. Trong thời gian cách ly xã hội, để hạn chế tiếp xúc, bệnh viện đã khuyến khích 40 – 50% nhân viên khối hành chính làm việc tại nhà. Hạn chế thăm bệnh của thân nhân người bệnh, chỉ 1 người nuôi bệnh, bảo đảm khoảng cách tiếp xúc giữa người với người hơn 2m. Với phương châm không để thiếu khẩu trang cho nhân viên, đặc biệt là nhân viên y tế trực tiếp khám chữa bệnh, bệnh viện đã thực hiện dự trù đầy đủ khẩu trang y tế.

Bác sĩ Thành cho biết thêm, trong đợt thanh tra của Sở Y tế vào ngày 8-4 về việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bệnh viện đã nhận được những nhận xét, phản hồi tích cực của đoàn thanh tra, cụ thể như bệnh viện có đầy đủ cơ số thuốc, vật tư y tế, khẩu trang, dung dịch vệ sinh tay, phương tiện phòng hộ cá nhân đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, với trách nhiệm chung tay phòng, chống dịch bệnh cùng cộng đồng, bệnh viện đã phối hợp cùng Phòng Y tế TP.Thủ Dầu Một triển khai kế hoạch ứng biến nếu dịch bệnh bùng phát tại địa phương. Tuân thủ đúng các hướng dẫn về công tác tiếp đón, sàng lọc, khám bệnh, phân loại, cách ly, chuyển tuyến người nghi nhiễm…

Siết chặt quy trình sàng lọc

Để nâng cấp các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới, các trung tâm y tế trên địa bàn đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo để siết chặt hơn nữa quy trình sàng lọc, đón tiếp bệnh nhân. Theo ghi nhận của phóng viên tại Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo, ngay từ cổng vào trung tâm đã trang bị 4 bồn rửa tay đặt phía trước trung tâm, khu vực cấp cứu và khu vực khám riêng bệnh nghi ngờ để tiện cho việc rửa tay của người dân khi đến khám, chữa bệnh. Trung tâm bố trí bảo vệ trực, hướng dẫn tất cả người dân rửa tay trước khi vào trung tâm. Ở các bồn rửa tay đều trang bị thêm dung dịch sát khuẩn, xà phòng rửa tay và khăn giấy để người dân lau khô. Sau khi rửa tay xong, người dân được nhân viên y tế hướng dẫn đeo khẩu trang, sàng lọc các yếu tố dịch tễ, khai báo y tế rồi mới vào bên trong bốc số, quẹt thẻ để khám bệnh. Ngoài trung tâm, tất cả các trạm y tế trên địa bàn huyện cũng được lắp đặt bồn rửa tay để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Do đặc thù là địa bàn có đông công nhân lao động đến khám, điều trị bệnh, Trung tâm Y tế TP.Dĩ An khai thác tối đa hình thức đặt hẹn khám bệnh qua điện thoại. Với cách làm này, trung tâm đã giảm tối đa số lượng người bệnh tới khám, chờ khám cùng một thời điểm, bảo đảm người bệnh ngồi chờ khám cách xa nhau 2m. Đặc biệt, cán bộ y tế phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền đến 100% hộ gia đình có người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính phải thực hiện khai báo y tế và thường xuyên cập nhật thông tin về sức khỏe; cung cấp số điện thoại, hẹn lịch cấp phát thuốc định kỳ tại trạm y tế vào một số ngày cố định cho người nhà bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, người già đến nhận thuốc, số lượng thuốc phát tối thiểu 2 tháng.

Ông Đỗ Việt Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Dĩ An, cho biết: “Trung tâm đã chuẩn bị đầy đủ, trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao, chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với dịch bệnh. Trung tâm cũng bảo đảm đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cho nhân viên y tế, lên phương án cách ly đối với nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và kiểm soát các đơn vị, cá nhân thực hiện các dịch vụ bên ngoài như giặt ủi, bảo vệ, dọn vệ sinh… các quầy bán hàng trong trung tâm nhằm kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch bệnh”.

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, trong giai đoạn này cần nâng cao hơn nữa chất lượng của y tế cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh đúng tuyến, tránh di chuyển vượt tuyến trong thời gian có dịch. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Các bệnh viện phải bảo đảm đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt chuẩn cho tất cả nhân viên y tế khi khám và điều trị cho người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Tất cả bệnh nhân đến khám có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng đều được coi là có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 (F1). Trong trường hợp người bệnh cấp cứu chưa khai thác được yếu tố nguy cơ thì kíp cấp cứu phải mang đầy đủ trang phục phòng hộ cá nhân như khi cấp cứu người nhiễm Covid-19”.

“Trong giai đoạn Bình Dương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế trong tỉnh thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, tổ chức lại hệ thống trong bệnh viện, nâng cấp các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng”
.(Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế)

Theo Kim Hà – Báo Bình Dương