[HỎI – ĐÁP] Phụ nữ mang thai và cho con bú trong mùa dịch Covid-19 14 August, 2021 Chia sẻ: Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Trần Đức Tuấn – Bác sĩ Sản-Phụ khoa, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc Phụ nữ mang thai, đang chăm sóc con nhỏ hoặc đang trong thời kỳ cho con bú là nhữngđối tượng đặc biệt cần tìm hiểu thông tin và áp dụng để bảo vệ an toàn cho bản thân, cho bé và cho cộng đồng. 1. Mẹ bầu có dễ bị nhiễm COVID-19 hơn người khác không? Gần đây, phụ nữ mang thai đã được thêm vào danh sách của những đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh COVID-19 cao hơn những đối tượng khác. Phụ nữ mang thai nhiễm COVID-9 có: tỷ lệ nhập viện tăng, tăng nguy cơ viêm phổi nặng, tỷ lệ phải nằm hồi sức và phải đặt máy thở cao hơn. Mặc dù vậy, dữ liệu cho thấy phụ nữ mang thai KHÔNG có tăng nguy cơ tử vong do COVID-19 khi so sánh với những bệnh nhân không mang thai cùng tuổi. 2. Mẹ bầu cần làm gì để giảm đi nguy cơ bị nhiễm COVID-19? Tùy thuộc vào địa phương và quốc gia nơi mẹ bầu sinh sống, các khuyến cáo cần được lưu ý áp dụng như sau: – Mẹ bầu nếu vẫn khoẻ mạnh cần hạn chế ra khỏi nhà ngoại trừ khi cần hít thở không khí trong lành, đi khám thai hoặc chuyển dạ sinh. – Mẹ bầu nếu khỏe mạnh và phải ra khỏi nhà trong trường hợp cần thiết, phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét với người khác và luôn đeo khẩu trang. KHÔNG ra khỏi nhà để đến những nơi công cộng khi không thật cần thiết. – Kết nối xã hội nên được duy trì bằng cách liên lạc từ xa (điện thoại, internet .. ) – Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước. Rửa tay trong ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi trở về từ chỗ công cộng hoặc sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi. – Sử dụng dung dịch sát khuẩn rửa tay khi không có xà phòng và nước. – Tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng khi chưa rửa tay. – Thường xuyên làm sạch các bề mặt như kệ, tủ, mặt bàn và điện thoại di động cá nhân. – Hắt hơi và ho vào khăn giấy hoặc mặt trong khuỷu tay, không hắt hơi và ho vào bàn tay hoặc không khí. Vứt khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác. Ngay lập tức rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn. – Tránh tiếp xúc với bất cứ ai bị bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh. – Yêu cầu nhân viên giao hàng để lại các gói hàng ở trước cửa nhà. – Làm sạch và khử trùng bề mặt thường xuyên chạm vào hàng ngày, bao gồm tay nắm cửa, công tắc đèn, mặt bàn, điện thoại, bàn phím, nhà vệ sinh, vòi và bồn rửa. Tập thể dục cho phụ nữ mang thai trong mùa dịch 3. Các triệu chứng mẹ bầu bị nhiễm COVID-19 là gì, có khác với người bình thường không? Các triệu chứng mắc COVID-19 trong khi mang thai cũng giống như các triệu chứng của bệnh nhân không mang thai bao gồm sốt (87,9%), ho khan (67,7%), mệt mỏi (38,1%), có đàm ở họng/ chảy nước mũi(33,4%), khó thở (18,6%), đau cơ hoặc đau khớp (14,8%), đau đầu (14,8%) và đau họng (13,9%). Ngoài ra có thể có thêm triệu chứng khác như buồn nôn và tiêu chảy.Lưu ý: Không phải bất cứ ai bị nhiễm COVID – 19 sẽ có tất cả các triệu chứng kể trên. Người bị nhiễm bệnh COVID-19 có thể bị một triệu chứng hoặc kết hợp nhiều triệu chứng đã được liệt kê ở trên. 4. Mẹ bầu cần làm gì nếu nghi ngờ bản thân đã bị nhiễm COVID-19? Các triệu chứng bệnh thường sẽ không xuất hiện ngay mà có thời gian ủ bệnh có thể lên đến 14 ngày (một số trường hợp cá biệt có thời gian ủ bệnh dài hơn).Những việc mẹ bầu cần làm khi có các triệu chứng nhiễm COVID-19 (sốt cao hơn 38 độ, ho, đau họng, khó thở,…):– Thông báo đến những người liên quan, tránh tiếp xúc trực tiếp với các thành viên trong gia đình. Nên ở trong một phòng riêng, và sử dụng phòng vệ sinh riêng (nếu có).– Tránh dùng chung đồ dùng cá nhân (bát đĩa, ly uống nước, cốc, dụng cụ ăn uống, khăn hoặc giường chiếu).– Luôn mang khẩu trang và giữ khoảng cách khi có người khác ở xung quanh (ví dụ: ở phòng chung, hoặc đi cùng xe) và trước khi vào phòng khám của bệnh viện.– Tránh sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đi chung xe hoặc taxi.– Hạn chế tiếp xúc với thú nuôi và động vật.– Lên kế hoạch trước những người sẽ chăm sóc trẻ sơ sinh khi đi sinh.– Gọi điện cho đường dây nóng của cơ quan y tế địa phương hoặc của Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) để được tư vấn và đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị (nếu cần thiết) 5. Các dấu hiệu cấp cứu ở mẹ bầu bị nhiễm COVID-19 là gì? Mẹ bầu nếu có các triệu chứng cấp cứu như sau thì cần phải đi viện hoặc cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức:– Khó thở hoặc thở rất ngắn.– Cần phải gắng sức khi nói chuyện, hoặc cần dừng lại để thở lấy sức khi đi lại ở trong phòng.– Ho ra máu.– Đau dai dẳng hoặc tức ngực ngay cả khi không bị ho.– Nước mũi chảy liên tục.– Chóng mặt khi đứng– Mệt lịm hoặc không thể tự ngồi dậy.– Da mặt, môi tái nhợt.– Máu ra từ âm đạo.– Co giật.– Nhức đầu dữ dội và mờ mắt.– Sốt và quá yếu nên không ra được khỏi giường.– Đau bụng dữ dội.– Vỡ ối. 6. Thai kỳ có bị ảnh hưởng khi mẹ bầu bị nhiễm COVID-19? Theo như một số dữ liệu hiện có thì kết cục giữa thai kỳ bị nhiễm COVID-19 và không bị nhiễm COVID-19 dường như không có sự khác biệt. Các hiểu biết hiện nay liên quan đến thai kỳ bị nhiễm COVID-19 như sau:– Sinh non: xảy ra ở khoảng 50% phụ nữ mang thai phải nhập viện vì có các triệu chứng do COVID-19, tỷ lệ này thấp hơn nếu bị nhiễm COVID-19 nhưng không có triệu chứng. – Nguy cơ sẩy thai: có thể tăng lên. – Nên đánh giá sự tăng trưởng của thai nhi (cân nặng ước tính của thai). – Sinh tự nhiên đường âm đạo nếu mẹ bị nhiễm COVID-19 nhưng không có triệu chứng nghiêm trọng. – Mổ lấy thai nếu mẹ đang trong tình trạng bệnh nặng (ví dụ: thở máy …). – Mẹ bị nhiễm COVID-19 gây ra một số bất thường tại bánh nhau, dẫn đến nguy cơ giảm lưu lượng máu trao đổi giữa mẹ và bánh nhau. – Chưa có bằng chứng để khẳng định sự lây truyền COVID-19 xảy ra từ mẹ sang thai nhi. 7. Mẹ bầu và mẹ cho con bú có thể tiêm vắc xin phòng COVID-19 hay không? Theo Quyết định 3802/QĐ-BYT về Hướng dẫn tạm thời Khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19 ban hành ngày 10/08/2021 từ Bộ Y tế: Phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên và phụ nữ đang cho con bú thuộc nhóm đối tượng cần thận trọng tiêm chủng vaccine, cần phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng. Nhóm này vẫn có thể tiêm các loại vắc xin phòng COVID-19, lưu ý chống chỉ định với vaccine Sputnik V. Riêng phụ nữ mang thai dưới 13 tuần thuộc nhóm đối tượng trì hoãn tiêm. Cũng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chỉ nên cân nhắc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai ≥13 tuần khi lợi ích tiềm năng lớn hơn bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào đối với mẹ và thai nhi. Phụ nữ mang thai ≥ 13 tuần sau khi được giải thích nguy cơ/lợi ích nếu đồng ý tiêm chủng cần chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa. Phụ nữ mang thai thuộc đối tượng cần thận trọng tiêm chủng vaccine 8. Mẹ bầu nhiễm COVID-19 thì thai nhi có bị ảnh hưởng hay không? Các dữ liệu ở thời điểm hiện tại không đủ để khẳng định rằng khi mẹ mắc COVID-19 thì thai nhi chắc chắn sẽ không bị ảnh hưởng. Theo dữ liệu từ dịch SARS (2002 – 2003) cho thấy không có trường hợp nào sinh ra bị dị tật bẩm sinh do mẹ bị nhiễm SARS (COVID-19 là SARS-CoV-2). Phụ nữ mang thai nhưng bị sốt thì có thể ảnh hưởng lên thai nhi, cho dù không bị nhiễm COVID-19. Một số thuốc hạ sốt an toàn cho toàn bộ thai kỳ, làm giảm nguy cơ cho thai kỳ do mẹ bị sốt. Nghiên cứu trên 41 trường hợp mẹ bị nhiễm COVID-19 và có biểu hiện bệnh ở mức độ nặng (đa số cần thở máy) cho thấy: sinh non (41,1%), ối vỡ sớm (18,8%), tiền sản giật (13,6%), sinh mổ (91,1%), sẩy thai, thai chết lưu (2,4%); đối với trẻ mới sinh ra: điều trị tại hồi sức (10%), chết sơ sinh nhưng không do nhiễm COVID-19 (2,4%). Ngoài ra, người ta đã chỉ ra rằng do SARS-CoV-2 xâm nhập vào mạch máu, nhiễm vi rút có thể cản trở lưu lượng máu giữa mẹ và thai nhi bằng cách gây tổn thương cho nhau thai. Trong một nhóm nhỏ bệnh nhân mang thai có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, tổn thương nhau thai bao gồm cục máu đông và mạch máu bất thường ảnh hưởng đến lượng máu đến thai nhi. Hơn nữa, một số nhau thai được phát hiện nhỏ hơn dự kiến. Có lo ngại rằng tổn thương nhau thai do nhiễm COVID-19 có thể dẫn đến tiền sản giật và tăng huyết áp ở người mẹ và có thể sẩy thai, hạn chế sự phát triển trong tử cung hoặc sinh non cho thai nhi, mặc dù điều này không xảy ra ở một nhóm nhỏ bệnh nhân đã được nghiên cứu. Đối với phụ nữ mang thai nếu được chẩn đoán mắc COVID-19 cần được theo dõi sát sao. Các lựa chọn bao gồm: Xét nghiệm Nonstress – test (NST) để theo dõi xem thai nhi có được cung cấp đủ oxy hay không và siêu âm thường xuyên để theo dõi sự phát triển của thai nhi. 9. COVID-19 có lây truyền qua sữa mẹ không? Theo WHO, cho đến nay chưa phát hiện việc lây truyền vi rút gây bệnh COVID-19 qua sữa mẹ và qua việc cho trẻ bú mẹ. Do vậy không có có lý do gì để không hoặc ngừng cho trẻ bú mẹ 10. Có nên cho con bú khi mắc/ nghi ngờ bị mắc COVID-19 hoặc các bệnh truyền nhiễm khác không? Mẹ mắc/ nghi mắc COVID-19 vẫn có thể cho trẻ bú nếu muốn nhưng cần lưu ý những điều sau: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc bằng dung dịch rưả tay có cồn, đặc biệt trước khi chạm vào trẻ. Đeo khẩu trang y tế bất cứ khi nào tiếp xúc với trẻ, kể cả khi cho trẻ bú.Thay khẩu trang y tế ngay khi thấy khẩu trang bị ẩm và loại bỏ ngay vào thùng rác có nắp đậy. Không tái sử dụng khẩu trang y tế tuyệt đối không chạm vào mặt trước của khẩu trang. Hắt hơi hoặc ho vào khăn giấy. Sau đó loại bỏ khăn giấy ngay và rửa tay lại Thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt mà người mẹ đã chạm vào 11. Trường hợp được chẩn đoán xác định hoặc đang nghi ngờ mắc COVID-19 và không thể cho trẻ bú, khi nào mẹ có thể cho trẻ bú lại? Mẹ có thể cho bé bú ngay khi nào thấy đủ khoẻ mạnh. Không có khoảng thời gian chờ cố định nào sau khi xác định mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19. Không có bằng chứng cho thấy việc cho trẻ bú làm thay đổi diễn biến lâm sàng của bà mẹ mắc COVID-19. Nguồn thông tin tham khảo: WHO, corona.pregistry.com An tâm chăm sóc sức khoẻ và đặt lịch hẹn khám an toàn, nhanh chóng ngay cả trong mùa dịch với ỨNG DỤNG DI ĐỘNG “???? ???? ????????” – Trợ lý y khoa cho cả gia đình!> Tải ứng dụng “Hanh Phuc Hospital” TẠI ĐÂY> Xem thêm thông tin về ứng dụng TẠI ĐÂY