Truyền thông

Một Phụ Nữ Hạ Sinh An Toàn Tam Thai Hiếm Gặp Tỉ Lệ 1/100.000 Ca

31/08/2020

Đó là trường hợp của chị H.K. (22 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai), một sản phụ vừa đón sự chào đời của 3 thiên thần nhỏ. Nhưng để có được thành quả ngọt ngào này, chị đã trải qua khoảng thời gian căng thẳng đánh cược tính mạng khi chấp nhận giữ lại tất cả bào thai trong bụng.

Tam thai con chị K. chào đời an toàn.

2 lần “cãi lời” bác sĩ “liều mạng” giữ cả 3 con

Theo bệnh sử, khi mang thai chị K. đi siêu âm tại một phòng khám tư tại TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và được chẩn đoán thai đôi.

Tuy nhiên trong một lần đau bụng phải nhập viện tại 1 BV ở Đồng Nai, kết quả siêu âm lại xác định chị mang tam thai.

Lúc này, bác sĩ tư vấn bỏ bớt một thai để đảm bảo an toàn cho mẹ lẫn song thai còn lại và khuyên chị chuyển lên BV tuyến trên thăm khám.

Bác sĩ Cam Ngọc Phượng là người theo dõi các bé ngay sau khi chào đời.

Tại một BV phụ sản ở TP.HCM, thai cũng được tư vấn bỏ bớt một bé để đảm bảo an toàn nhưng vì không muốn mất 1 đứa con nào, chị K. lần lượt từ chối.

Mãi đến khi thai được khoảng 22 tuần tuổi, người vợ trẻ mới tìm đến BV Hạnh Phúc (tỉnh Bình Dương) cầu cứu.

Bác sĩ Lê Văn Đức, trưởng Khoa Sản – Phụ khoa của BV này cho biết, lúc này ông cũng giải thích tất cả yếu tố nguy cơ của việc mang tam thai.

Người mẹ hạnh phúc nhìn các con kháu khỉnh.

“Nguy cơ lớn nhất là sinh non. Thai càng nhiều thì thời gian mang thai trong tử cung sẽ giảm đi. Nếu mang thai đơn thường là 39 tuần, song thai còn 36 tuần. Và nếu tam thai chỉ còn khoảng 33 tuần mang thai.

Trẻ sinh non cân nặng dưới 1.5kg thì nguy cơ bệnh phổi, hen suyễn, bại não, mất khả năng nghe nhìn… dễ xảy ra.

Một vấn đề nữa là suy dinh dưỡng trong tử cung. Ngoài ra nguy cơ chết 1 thai, kéo theo thai khác và nguy cơ bất thường ở tim có thể xảy ra.

Nếu tam thai chỉ có 1 nhau thai thì khả năng xảy ra biến chứng như suy dinh dưỡng tử cung, tử vong thai nhi khi các mạch máu thông nối nhau, máu nuôi không đều… là rất lớn.

Về bà mẹ là nguy cơ tiểu đường, tiền sản giật…” – bác sĩ Đức phân tích.

Thế nhưng vì sản phụ đến quá trễ, không còn khả năng bỏ đi một trong tam thai nữa.

Quả ngọt của tình mẫu tử

Theo bác sĩ, điều khá may mắn là tam thai mà chị K. mang này có 3 bánh nhau và 3 túi ối riêng biệt. Sản phụ còn rất trẻ và cũng không điều trị vô sinh, không có tính di truyền về đa thai, không có yếu tố nguy cơ nào.

Dù vậy, nguy cơ sanh non vẫn rất cao.

3 thiên thần nhỏ hiện có sức khỏe tốt.

“Hiện tại, thế giới vẫn chưa có phương pháp cụ thể nào để can thiệp an toàn tình trạng sanh non của đa thai.

Các bác sĩ phải dự tính trước nếu biến chứng sẽ phải xử lý ở đâu. Vì nguy cơ xảy ra bất thường tim mạch cao, chúng tôi phải phối hợp chặt với bác sĩ tim mạch.

Từ khi thai nhi được 28 tuần, 3 lồng ấp cũng đã được khoa Nhi chuẩn bị sẵn sàng” – bác sĩ Đức kể về quá trình giữ tam thai chờ đến ngày đủ khả năng chào đời.

Ca phẫu thuật mổ bắt con diễn ra ngày 31/7.

Ngày 31/7, chị K. nhập viện trong tình trạng cổ tử cung ngắn, thai 32 tuần tuổi chậm tăng trưởng trong tử cung.

Đã chuẩn bị hết các phương án xảy ra, ngay khi xác định đến thời điểm sản phụ lâm bồn, ekip do bác sĩ Lê Văn Đức cùng 3 bác sĩ chuyên khoa nhi và 3 nữ hộ sinh hỗ trợ đã tiến hành mổ bắt con thành công.

3 bé chào đời an toàn lần lượt có cân nặng 1.540gram (bé gái), 1.660gram (bé trai) và 1.530gram (bé trai). Cả 3 được hỗ trợ cấp cứu tại phòng mổ, sau đó chuyển về khoa hồi sức sơ sinh.

Dù sinh non nhưng 3 bé không cần dùng kháng sinh.

Hiện 3 bé sức khỏe ổn định, ăn được qua đường tiêu hóa, tăng cân đều và đang chờ ngày được xuất viện. .

Thành công của việc phối hợp chặt chẽ sản – nhi

Bác sĩ Cam Ngọc Phượng, Trưởng khoa Nhi sơ sinh và Hồi sức sơ sinh tại bệnh viện chia sẻ, trước đây bà từng chăm sóc trẻ sinh ba 28-29 tuần thụ tinh trong ống nghiệm có rất nhiều nguy cơ.

Ở trường hợp này là tam thai tự nhiên và đã 33 tuần tuổi, các bác sĩ cũng có thời gian chuẩn bị trang thiết bị và nhân lực điều trị.

Các em cũng không cần bơm sunfat tăng.

Do đó ngay sau sinh, 3 bệnh nhi đã được ổn định sớm nhất về thân nhiệt, hô hấp (thở áp lực dương CPAP), dinh dưỡng tĩnh mạch và theo dõi SPO2 liên tục theo phác đồ giờ vàng chặt chẽ.

Thành công của trường hợp này là việc 3 bé không cần dùng sunfat tăng, vì trong thai kỳ người mẹ đã được tiêm corticoid (chất để hỗ trợ phát triển sunfat tăng cho bé).

Quả ngọt đến với 2 vợ chồng trẻ một cách xứng đáng.

Nhờ việc tiền sản tốt và sự phối hợp chặt chẽ giữa sản và nhi mà các bé đã chào đời khỏe mạnh, không có bất thường gì ở tim và não khi tầm soát.

Thời gian sắp tới, các bé sẽ tiếp tục được tầm soát võng mạc và thính lực. Nếu có bất thường sẽ được tập vật lý trị liệu sớm.

Theo bác sỹ Lê Văn Đức, tam thai tự nhiên là thai kỳ rất hiếm gặp với tỷ lệ 1/100.000 ca.
Các trường hợp đa thai sẽ có nhiều nguy cơ tiềm ẩn như dọa sinh non, xảy ra các bất thường nhau thai, thai chậm tăng trưởng, tiền sản giật, đe dọa sức khỏe, tính mạng của cả mẹ và bé.
Với thai kỳ nguy cơ cao, việc phối hợp giữa ekip sản và nhi rất quan trọng, bởi vì chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể mang đến hậu quả khó lường.

Theo Afamily