Truyền thông

Bác Sĩ ‘Bật Mí’ Chuyện Đỡ Đẻ Cho Những Sao Việt, Người Nổi Tiếng

30/04/2020

Áp lực hơn bình thường

Gặp BS Lê Văn Đức, trưởng Khoa Sản – Phụ khoa, BV Quốc tế Hạnh Phúc. Ông được gọi là “Bác sĩ của ngôi sao” vì từng đỡ đẻ cho Hồ Ngọc Hà, Thủy Tiên, Lệ Quyên, Linh Nga, Thu Minh, Đoan Trang, Kiều Như, Vũ Thu Phương, Xuân Lan…

BS Đức cũng xác nhận có áp lực lớn hơn khi đỡ đẻ cho người nổi tiếng. “Hầu như người nổi tiếng nào đến đây để sinh cũng tìm hiểu rất kỹ, yêu cầu của họ rất khắt khe”, BS Đức tâm sự. Đỡ đẻ cho ca sĩ Đoan Trang, ông bảo mình cũng…hồi hộp như cô ca sĩ được ví “thỏi socola biết hát” này. “36 tuổi Đoan Trang mới mang thai lần đầu, đến đây khi thai đã 40 tuần. Chồng cô là dân Tây lại cưng vợ nên “sát hạch” từng chút. Ngày sinh, nhiều thành viên gia đình nội ngoại có mặt đông đủ nên càng hồi hộp”, bác sĩ Đức thổ lộ.

Ngoài các ngôi sao trong làng giải trí, BS Đức còn đỡ đẻ cho vợ của những người nổi tiếng trong lĩnh vực khác. Ca khó quên với ông ngoài giới showbiz, đỡ đẻ cho vợ tiến sĩ, phó giáo sư ngành luật. Đây là ca đẻ khó. Sản phụ đã hai lần sinh mổ, không giữ được thai nhi.

Lần thứ ba nhau cài răng lược. Không những cái “mác” học hàm, học vị của người chồng mà sự quan tâm đặc biệt của gia đình, dòng họ sản phụ khiến bác sĩ Đức cảm thấy chưa bao giờ lo lắng đến vậy. “19 người trong gia đình sản phụ từ Nghệ An kéo vô BV để chờ tin. Người chồng hiểu biết, quan hệ rộng nên hỏi rất nhiều. Toàn bộ mọi người trong khoa khuyên “bỏ ca này đi bác ơi. Ca này xương quá. Mình là BV tư nhân mà”.

Nhưng sau khi đưa ra các lựa chọn cho bệnh nhân, thảo luận kỹ từng các rủi ro, qui trình quản lý rủi ro… thân nhân bệnh nhân quyết định chọn bệnh viện này và tôi đỡ đẻ thành công”, BS Đức nhớ lại.

Đoan Trang và con gái chụp hình cùng BS Lê Văn Đức

Bí mật trong và ngoài phòng sinh

Hỏi BS Đức, chuyện “thâm cung” khi ngôi sao lâm bồn, ông cho biết, hầu hết sản phụ “ngôi sao” hoặc chồng của họ là người nổi tiếng đều dễ gần. Nhưng cũng có một vài ca “chảnh”. Khó xử nhất là mẹ của một vài “sao” yêu cầu con họ được chăm sóc kiểu truyền thống như ăn mặn, hơ lửa, cai tắm, uống thuốc thuốc dân gian…

Cũng có tình tình huống “đau đầu”, đó là chuyện sinh “giờ đẹp”. “Sản phụ thai nước ối ít phải nhập viện. Cầm đầu dò tim thai mà không thấy tim thai nên tay run, trán toát mồ hôi. Tôi chỉ định mổ gấp nhưng mẹ sản phụ khư khư bảo coi bói ngày giờ không tốt, sinh thì làm ăn lụn bại. Lúc đó, mình phải vận dụng “bài giảng y khoa” đặc biệt với ngôn từ dân dã để thuyết phục. “Bài giảng” này ông cũng vận dụng nhiều lần làm yên lòng sản phụ cùng gia đình trong những tình huống khác.

Ví dụ lần chuẩn bị đỡ đẻ cho một ca sĩ nổi tiếng.Thai cô ấy quá ngày mà không đau bụng sinh. Theo đánh giá của BS Đức, cho thuốc gây cơn gò tử cung sinh thường được. Tuy nhiên, cô ca sĩ sợ truyền thuốc nguy hiểm cho mẹ. Cuối cùng bài giảng y khoa với ngôn từ dân dã của ông đã thuyết phục cô ca sĩ dùng thuốc để sinh. BS Đức tiết lộ thêm, nói các ngôi sao muốn giữ dáng sau khi sinh nở nên hầu hết sinh mổ và không cho con bú sữa mẹ, nhưng điều đó không đúng. Nhiều ngôi sao vẫn cố gắng sinh thường và cho con bú.

Có người sau khi khám thai lần đầu tiên với tôi đã hỏi rằng “bác sĩ nghĩ sinh ở Việt Nam hay nước ngoài tốt hơn?”. Thật sự, trước khi gặp tôi, họ cũng có ý định ra nước ngoài sinh. Tôi đủ tự tin để khẳng định với họ rằng trong y tế, riêng về sản khoa, Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào trên thế giới. Các bác sĩ đều là những người tâm huyết và có nghề. Tôi ví von tay nghề chuyên môn của bác sĩ cũng giống như việc lái xe vậy, trải nghiệm nhiều tình huống thì tay lái sẽ “lụa”, sẽ vững thôi. Hơn nữa, tỷ lệ sinh đẻ ở Việt Nam khá cao so với mặt bằng trên thế giới nên đương nhiên bác sĩ sẽ có nhiều kinh nghiệm và tay nghề cũng tốt hơn. (Bác sĩ Lê Văn Đức)

Theo Quang Viên, Báo Thanh Niên