Truyền thông

Hỏi – Đáp Về Bệnh Covid-19 Ở Trẻ Em

20/07/2021

Bên cạnh những căn bệnh mãn tính về tim mạch, viêm phế quản, viêm tai giữa, bệnh thủy đậu, bệnh tiêu chảy, bệnh viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết,…thì dịch bệnh Covid-19 hiện nay cũng là mối quan tâm lo lắng hàng đầu của ba mẹ trong việc chăm sóc sức khoẻ cho trẻ nhỏ. Bên cạnh việc ý thức phòng tránh lây nhiễm cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng, ba mẹ cũng cần cần trang bị những kiến thức và hiểu biết đúng đắn để bảo vệ và chăm sóc trẻ an toàn trong suốt mùa dịch.

1.Covid-19 là gì?

COVID-19 là viết tắt của “bệnh coronavirus 2019”,  gây ra bởi một loại vi-rút có tên là SARS-CoV-2. Loại virus này xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019 và nhanh chóng lây lan khắp thế giới. Đây là một loại virus mới nên sự hiểu biết về loại virus này chưa được biết đầy đủ, về sự lây lan, gây bệnh, khả năng đột biến, …

Người nhiễm COVID-19 có thể bị sốt, ho, mất khứu giác/vị giác, tiêu chảy, các triệu chứng khác, hoặc không có triệu chứng. Đa số những người bị nhiễm COVID-19 sẽ chỉ viêm hô hấp nhẹ, nhưng có một số người bệnh gặp biến chứng nặng như viêm phổi nặng, đông máu, suy hô hấp nhanh chóng và dẫn đến tử vong.

Việc cách ly và hạn chế tiếp xúc là cách để cố gắng làm chậm sự lây lan của vi rút, tránh quá tải về y tế và tử vong.

2. Covid  – 19 lây lan như thế nào?

Virus gây ra COVID-19 chủ yếu lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần, vi rút từ các giọt bắn của người bệnh khi ho, hắt hơi hoặc nói chuyện gần người khác, từ các hạt nhỏ trong phổi và đường thở của người bị nhiễm bệnh di chuyển trong không khí đến những người khác ở gần hoặc đưa đi xa hơn. Trong không gian nhà, văn phòng kín, một người mang vi rút có thể có thể lây lan cho nhiều người cùng ở đó. 

Vi-rút có thể lây truyền dễ dàng giữa những người sống chung với nhau, tại các cuộc tụ họp mà mọi người đang nói chuyện gần nhau, bắt tay, ôm, chia sẻ thức ăn hoặc thậm chí hát cùng nhau. Ăn tại nhà hàng làm tăng nguy cơ lây nhiễm, vì mọi người có xu hướng ở gần nhau và không che mặt. Các bác sĩ cũng cho rằng có thể bị nhiễm bệnh nếu bạn chạm tay vào bề mặt nào đó dính vi rút và sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc mắt của mình. 

Một người có thể bị nhiễm và lây lan vi-rút cho người khác, ngay cả khi không có bất kỳ triệu chứng nào. Đây là lý do tại sao giữ khoảng cách là một trong những cách tốt nhất để làm chậm sự lây lan.

Lưu ý: Khoa học vẫn chưa rõ liệu vi rút có thể truyền sang con qua sữa mẹ hay không nếu người mẹ bị bệnh. Tất nhiên, vì những lợi ích và hiệu quả diệt vi-rút của sữa mẹ nên việc cho con bú sữa mẹ vẫn tiếp tục duy trì.

3.Trẻ em có bị nhiễm covid-19?

Trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm COVID-19, khi trẻ nhiễm bệnh có thể lây vi-rút cho người khác, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm cho những người lớn tuổi hoặc những người có một số bệnh mãn tính. Ba mẹ hãy luôn nhắc nhở trẻ cách phòng ngừa lây truyền bệnh, giữ khoảng cách an toàn, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh sờ tay lên mặt, mũi miệng…

4.Covid-19 ở trẻ em có khác với người lớn không?

Ở người lớn, các triệu chứng khi nhiễm COVID-19 phổ biến bao gồm sốt và ho, nghiêm trọng hơn có thể bị viêm phổi và khó thở. Trẻ em bị COVID-19 cũng có thể có những triệu chứng tương tự, nhưng khả năng bệnh diễn biến nặng thấp hơn. Một số trẻ khi nhiễm bệnh thậm chí không có bất kỳ triệu chứng nào.

Một số triệu chứng khác có thể xảy ra ở trẻ em và cả người lớn bao gồm mệt mỏi, ớn lạnh, nhức đầu, đau cơ, đau họng, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, tiêu chảy hoặc nôn mửa. Trẻ sơ sinh nhiễm  COVID -19 có thể gặp khó khăn khi bú. Mộtsố ít trẻ có thể bị phát ban hoặc các triệu chứng da khác khi bị nhiễm virus này.

Các triệu chứng bệnh nghiêm trọng có thể gặp ở trẻ em có một số vấn đề sức khỏe như rối loạn di truyền, bệnh lý thần kinh nặng, bệnh tim bẩm sinh, bệnh hồng cầu hình liềm, béo phì, tiểu đường, bệnh thận mãn tính, hen suyễn và các bệnh phổi khác hoặc hệ thống miễn dịch của trẻ kém.

5.Covid-19 có gây nên các biến chứng nghiêm trọng ở trẻ em?

Trên thế giới hiện đã có một số trường hợp tiến triển hội chứng đáp ứng viêm toàn thân ở trẻ khi nhiễm Covid-19. Điều này có thể dẫn đến tổn thương các cơ quan nếu không được điều trị nhanh chóng. Các chuyên gia đã sử dụng các tên khác nhau cho tình trạng này, như “hội chứng viêm đa cơ quan ở trẻ em”. Các triệu chứng có thể xuất hiện tương tự như một tình trạng khác được gọi là “bệnh Kawasaki”. Triêu chứng bao gồm:

  • Sốt kéo dài
    • Đau bụng, nôn mữa hoặc tiêu chảy
    • Phát ban
    • Kết mạc mắt đỏ
    • Nhức đầu
    • Rối loạn hành vi, lú lẫn
    • Khó thở

Nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên, hãy gọi cho bác sĩ hoặc trung tâm y tế gần nhất để được hướng dẫn cụ thể.

6.Ba mẹ nên làm gì khi trẻ xuất hiện triệu chứng bệnh?

Nếu trẻ bị sốt, ho, hoặc các triệu chứng khác của COVID-19, ba mẹ cần gọi ngay cho bác sĩ hoặc trung tâm y tế theo dõi điều trị COVID -19 tại địa phương. Tuỳ theo trường hợp mà ba mẹ sẽ được tư vấn quy trình ứng phó và liệu có cần đưa trẻ đi khám bệnh hoặc nhập viện hay không.

Nếu trẻ được chăm sóc tại nhà, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn ba mẹ biết những triệu chứng cần theo dõi. Một số trẻ bị COVID-19 đột nhiên trở nặng hơn, thường trong khoảng một tuần. Ba mẹ nên gọi trợ giúp khẩn cấp hoặc cho trẻ nhập viện ngay lập tức nếu trẻ có một hay nhiều dấu hiệu sau:

  • Khó thở
    • Đau hoặc tức ngực
    • Môi tái hoặc da xanh xao
    • Đau bụng dữ dội
    • Rối loạn hành vi hoặc lơ mơ
    • Không tỉnh táo hoặc ngủ li bì khó đánh thức
    • Bú khó hoặc bỏ bú

            Nếu trẻ có sốt, ho nhẹ, nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nếu nhiệt độ cao từ 38,5 độ C trở lên, uống nhiều nước hơn, ăn uống đủ chất và nấu mềm, lỏng, dễ tiêu, có thể dùng các loại thuốc ho thảo dược cho trẻ em, giữ ấm, cho trẻ ngủ nghỉ nhiều…

7. Có nên đưa trẻ đi xét nghiệm để tầm soát bệnh không?

Trường hợp trẻ không nhiễm COVID-19 trong vòng 3 tháng qua: trẻ cần được xét nghiệm ngay nếu có thể, ngay cả khi không có triệu chứng nào. Trẻ nên được cách ly ở nhà sau khi bị phơi nhiễm trong 14 ngày, theo dõi trẻ và canh chừng dấu hiệu chuyển nặng.

Trường hợp trẻ đã mắc COVID-19 trong vòng 3 tháng qua, nếu trẻ không có triệu chứng, trẻ có thể không cần xét nghiệm, nhưng việc cách ly vẫn là cần thiết.

Riêng đối với trẻ dưới 5 tuổi nếu không chịu lấy mẫu xét nghiệp thì ba mẹ, người thân nên chủ động xét nghiệm để tầm soát.

Khi trẻ tự cách ly tại nhà, cả gia đình vẫn nên duy trì 5K. Nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng nào, hãy gọi điện cho bác sĩ hoặc trung tâm điều trị COVID- 19 địa phương.

8.Điều trị Covid – 19 ở trẻ em như thế nào?

Hiện không có phương pháp điều trị đặc hiệu nào đối với COVID-19. Hầu hết những trẻ khỏe mạnh bị nhiễm bệnh có khả năng tự khỏi và thường sẽ khỏi bệnh trong vòng một hoặc hai tuần.

Ba mẹ cần chăm sóc trẻ tại nhà và tuân thủ đúng theo khuyến cáo 5K, hoặc ở trung tâm cách ly tùy hướng dẫn của Bộ Y Tế trong từng thời điểm dịch, cho đến khi bác sĩ đánh giá trẻ có thể an toàn để trở lại các hoạt động bình thường. Quyết định này sẽ phụ thuộc vào thời gian trẻ có các triệu chứng và trẻ có xét nghiệm âm tính hay không (cho thấy virus không còn trong cơ thể trẻ)

Các bác sĩ có thể áp dụng một số biện pháp điều trị chuyên biệt trong một số trường hợp có triệu chứng nặng như viêm phổi hoặc khi trẻ có các biến chứng khác của bệnh COVID-19

9.Ba mẹ có nên hoãn việc tiêm chủng khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp không?

Đối tượng trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ là đối tượng dễ nhiễm bệnh nên cần được chích ngừa sớm. Trường hợp bất khả kháng không thể đi lại được thì ba mẹ có thể hoãn việc tiêm chủng cho trẻ nhưng ngay khi có cơ hội cần cho trẻ đi chích ngừa đủ mũi ngay (theo lịch tiêm chủng). Ngoài bệnh Covid-19 thì cũng cần bảo vệ trẻ trước các bệnh thông thường khác. 

10.Có nên thường xuyên sử dụng các dung dịch sát khuẩn?

Sát khuẩn la việc cần làm thuờng xuyên sau khi đã chạm vào bất cứ bề mặt/ đồ vật có nguy cơ gây lây nhiễm. Có nhiều loại dung dịch sát khuẩn khác nhau, trong đó dung dịch chứa cồn vẫn là một trong những dung dịch chính dùng để khử khuẩn. Những dung dịch này có thể gây dị ứng, thậm chí khô da tay hoặc các vấn đề trên tay. Trường hợp có vấn đề kích ứng, da nhạy cảm có thể chuyển sang dùng các loại dung dịch khác phù hợp với cơ địa và an toàn cho da. Riêng đối với trẻ em, trước mỗi bữa ăn cần cho trẻ rửa tay lại bằng xà phòng và nước sạch để tẩy sạch các chất sát khuẩn.

11.Làm thế nào để tăng sức để kháng cho trẻ trong mùa dịch

Điều đầu tiên ba mẹ có thể làm là bảo vệ bản thân và gia đình để tránh sự lây lan của virus Sar-CoV-2 bằng cách tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Bản thân ba mẹ có bất kỳ sự nghi nhiễm nào cần phải tự cách ly, hạn chế tiếp xúc với trẻ. Bên cạnh đó, cần tuân thủ các nguyên tắc giúp tăng sức đề kháng ở trẻ: tạo môi trường hoạt động hàng ngày của trẻ thật thông thoáng, tuân thủ vệ sinh hàng ngày của trẻ, tạo cho trẻ một chế độc dinh dưỡng đầy đủ rau xanh, trái cây, dồi dào vitamin (có thể bổ sung thêm vitamin C cho trẻ nếu trẻ không chịu uống vitamin C tự nhiên có trong nước ép trái cây như nước am). Tóm lại cần nâng đỡ, quan tâm trẻ về cả mặt thể chất và tâm lý. Trẻ có suy nghĩ hay có tinh thần tiêu cực sẽ ảnh hướng không đến sức đề kháng và có sức khoẻ yếu hơn trẻ có suy nghĩ tích cực.