Truyền thông

Có Con Chính Chủ Sau Hành Trình Gian Nan

21/04/2020

Cơ duyên có con từ một bài báo

Hành trình kiếm con của anh H. có lẽ là câu chuyện mà các bác sĩ (BS) khoa Hiếm muộn, BV Quốc tế Hạnh Phúc không bao giờ quên. Cách đây hơn 10 năm, anh H. ở tuổi 31 và người vợ trẻ 26 tuổi dắt nhau đến nhiều cơ sở điều trị nhưng vẫn không thể có con sau ba năm đám cưới.

Nhiều BV lớn trong nước khẳng định tinh dịch của anh chỉ loe ngoe vài con tinh trùng, thậm chí có mẫu tinh dịch không có tinh trùng. Cách duy nhất để làm cha là anh phải xin tinh trùng người khác để vợ mang thai hoặc vợ chồng anh phải xin con nuôi.

Không chấp nhận sự thật này, những ngày rằm, vợ chồng anh lặng lẽ chở nhau đến các chùa cầu nguyện để mong một phép màu xảy ra. Một năm, hai năm rồi ba năm trôi qua, vẫn không có con, vợ chồng anh rơi vào tuyệt vọng, thậm chí hạnh phúc gia đình tưởng chừng tan vỡ.

Vô tình, trong một lần mẹ anh đọc bài Không có tinh trùng vẫn có thể làm cha trên báo Phụ Nữ TP.HCM vào tháng 10/2014, anh vội tìm đến BV Quốc tế Hạnh Phúc. BS Huỳnh Thị Thu Thảo, Trưởng khoa Hiếm muộn, BV Quốc tế Hạnh Phúc kể: “Lúc đó, anh H. đến chỉ để cầu may vì nhiều BV trước đó đã khẳng định anh không thể có con. Với hy vọng “còn nước còn tát”, chúng tôi không bỏ qua bất cứ cơ hội nào cho anh H. Các kỹ thuật viên phòng xét nghiệm được khích lệ phải “săn lùng” thật kỹ, không bỏ sót bất cứ con tinh trùng nào có trong mẫu tinh dịch. Ngay mẫu tinh dịch đầu tiên, kỹ thuật viên đã tìm được một số con. Niềm hy vọng điều trị thành công bắt đầu lóe lên. Tôi ấp ủ quyết định đem trữ đông số tinh trùng tìm được và tiếp tục “săn” tinh trùng ở những mẫu sau cộng dồn lại, sẽ “góp gió thành bão” mà không cần sinh thiết tinh hoàn để tìm tinh trùng. Đến mẫu tinh dịch thứ hai, các nhân viên phòng xét nghiệm cùng reo lên khi đã tìm đủ số lượng tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm (TTTÔN) cho vợ chồng anh”.

Thế nhưng, ngay khi kiếm đủ “tinh binh”, BV lại tiếp tục “rà soát” sức khỏe của vợ anh H., vì lúc này chị đã 37 tuổi nên dự trữ buồng trứng đã giảm. Nhờ thăm khám kỹ, các BS phát hiện vợ anh H. có khối polyp trong tử cung, kích thước khoảng 20 mm. Khối polyp này có thể ảnh hưởng đến quá trình làm tổ của thai, đồng thời chị còn bị lạc nội mạc tử cung vốn là căn bệnh khiến phụ nữ dễ bị tắc ống dẫn trứng, giảm chất lượng trứng, thay đổi nội tiết tố… khiến khó “đậu” thai hơn.

Sau khi điều trị cắt polyp, lạc nội mạc tử cung, vợ chồng anh H. được thực hiện TTTÔN và có được tám trứng, sáu trứng thụ tinh và có đến bốn phôi tốt. Các BS đã chuyển hai phôi vào tử cung và hai phôi trữ đông.

Kết quả, vợ anh H. đã có thai sau chuyển phôi, và hiện tại thai đã được khoảng 31 tuần. Vợ anh H. cho biết: “Ngay khi gia đình chồng biết tin tôi có thai, mẹ chồng bắt tôi nghỉ việc để dưỡng thai. Gia đình tôi cũng đã chuẩn bị tên thật đẹp để đặt cho con”.

Quãng thời gian kiếm con của vợ chồng anh V.H.C. (32 tuổi, ở Hà Nội) cũng lắm gian nan. Vợ chồng anh đã tốn gần một tỷ đồng cho hành trình kiếm con. Tay run run cầm kết quả siêu âm “thai năm tuần tuổi” của BV Quốc tế Hạnh Phúc, anh C. mừng rỡ: “Trước khi đến đây, tôi đã đi làm TTTÔN năm lần nhưng đều thất bại, chi phí thực hiện điều trị hiếm muộn nhiều lần cùng tiền máy bay, ăn ở… đến nay đã ngốn gần cả tỷ đồng nhưng không có con. Mới tiết kiệm được một chút, tôi quyết định đi kiếm con lần nữa”.

Khi đến khám ở BV Quốc tế Hạnh Phúc, các BS cho anh C. biết nguyên nhân hiếm muộn là do từ hai vợ chồng, chứ không riêng gì anh C. Sau khảo sát, anh được chẩn đoán là vô tinh do bất sản ống dẫn tinh hai bên, vợ anh thì có polyp tử cung kích thước 15 – 20 mm.

Các BS đã thực hiện TTTÔN cho vợ chồng anh bằng cách thực hiện thủ thuật PESA lấy tinh trùng cho anh. Không ngờ, số tinh trùng thậm chí còn dư được trữ lại cho các chu kỳ sau nếu chu kỳ này vẫn thất bại.

Nhờ vậy, sẽ tiết kiệm được chi phí hơn cho các chu kỳ sau; riêng vợ anh được soi buồng tử cung cắt polyp. Ở năm lần TTTÔN trước, BN không có tinh trùng dư trữ đông, nên mỗi lần làm lại tốn kém và có thể gây tổn thương tinh hoàn. Kết quả sau chuyển hai phôi trữ đông, vợ anh đã có thai được năm tuần.

Anh H. và anh C. là hai trong số các trường hợp điều trị thành công tại BV Quốc tế Hạnh Phúc sau khi BN đã thất bại điều trị ở một số cơ sở khác.

Tỷ lệ thành công phụ thuộc nhiều vào cơ sở điều trị

BS Huỳnh Thị Thu Thảo “bật mí”: tỷ lệ BN đậu thai cao hay thấp phụ thuộc nhiều vào cơ sở điều trị hiếm muộn. Tỷ lệ có thai khi TTTÔN ở BV Hạnh Phúc tương đối ổn định, đạt trung bình 40%, thuộc hàng “tốp” ở Việt Nam. Nếu như các cơ sở khác chuyển phôi ngày 2 – ngày 3 thì khả năng đậu thai sẽ thấp hơn; do đó, BV đẩy mạnh kỹ thuật nuôi cấy phôi nang, nuôi phôi tới ngày 5 – ngày 6 mới chuyển phôi vào tử cung, giúp nâng cao tỷ lệ có thai.

Nuôi cấy phôi nang cũng là phương pháp giúp chọn lựa phôi có khả năng làm tổ cao, hướng tới chuyển một phôi và giúp hạn chế tỷ lệ đa thai; đỡ mất thời gian, tiền bạc của các cặp vợ chồng hiếm muộn. Theo thống kê tại BV Quốc tế Hạnh Phúc, tỷ lệ phôi ngày 3 phát triển thành phôi nang trung bình là 60%, và tỷ lệ có thai khi chuyển phôi nang là 60-65%.

BS Trịnh Quốc Toàn, chuyên gia nam khoa, BV Quốc tế Hạnh Phúc khẳng định, hệ thống máy móc hiện đại, tay nghề BS sẽ quyết định đến tỷ lệ thành công khi điều trị hiếm muộn. Riêng ở lĩnh vực nam khoa “phụ trợ” trong điều trị hiếm muộn thì tỷ lệ thu được tinh trùng từ các thủ thuật trích tinh trùng từ mào tinh hay tinh hoàn cao hay thấp phụ thuộc vào kinh nghiệm phẫu thuật viên.

BS nam khoa phải biết dựa vào tình trạng bệnh để lựa chọn phương pháp phù hợp nhất trong số các kỹ thuật như: PESA, MESA, TESE, microTESE… Nếu dùng không đúng kỹ thuật thì sẽ không phát hiện BN có tinh trùng hoặc số lượng tinh trùng không đủ làm TTTÔN, hoặc khiến BN tổn thương nặng nề hơn…

Ngoài ra, để tăng tỷ lệ đậu thai, các BS điều trị hiếm muộn phải gỡ rối tất cả những lo lắng, tư vấn cho bệnh nhân rõ ràng, chia sẻ vui buồn với BN để họ cùng hợp tác với BS. Nhiều nghiên cứu trên thế giới ghi nhận, BN bị căng thẳng, lo âu, trầm cảm… đều có thể ảnh hưởng đến kết quả đậu thai.

Theo Phunuonline.com.vn