Tin tức

Cùng Con Vượt Qua Mùa Bệnh Tay Chân Miệng

13/04/2021

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Vũ Quang Vinh – Phó chủ tịch Hội đồng chuyên khoa Nhi kiêm Trưởng khoa Nhi, BVQT Hạnh Phúc

Bệnh tay-chân-miệng là gì?

Bệnh tay-chân-miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người do virus đường ruột thuộc nhóm coxsackieviruses và enterovirus 71 gây ra, đặc trưng bởi các dấu hiệu tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh do enterovirus A71 thường dẫn đến tình trạng bệnh nặng, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là dưới 3 tuổi.

Enterovirus 71 gây bệnh tay chân miệng

Khả năng lây lan của bệnh tay-chân-miệng

– Bệnh tay-chân-miệng xuất hiện ở hầu hết các địa phương và có thể gặp quanh năm. Bệnh có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.

– Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá và hô hấp. Nguồn lây bệnh chính từ nước bọt, đàm nhớt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.

– Các trung tâm chăm sóc trẻ em là môi trường dễ bùng phát dịch tay chân miệng vì bệnh nhiễm dễ dàng lây lan qua tiếp xúc giữa người với người. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, đến các nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát.

Nhận biết trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng

– Trẻ sốt, đau họng, biếng ăn.

– Tổn thương ở miệng: loét đỏ hay bóng nước 2-3mm ở miệng, má, lưỡi, nướu.

– Tổn thương ở da:  chủ yếu ở lòng bàn tay, chân, gối, mông, 2-10mm, có thể nổi cộm hoặc ẩn dưới da, không đau.

– Đôi khi trẻ chỉ có dấu hiệu loét miệng, tổn thương da rất ít hay không rõ bọng nước mà chỉ là dạng chấm.

– Trẻ tiêu chảy, nôn ói.

Các dấu hiệu khi có biến chứng:

+Thần kinh: Trẻ khó ngủ, quấy khóc, bứt rứt, lừ đừ, run chi, trợn mắt, đi loạng choạng, giật mình, yếu chi, co giật, hôn mê

+Tim mạch: Mạch nhanh, da nổi bông…

+Hô hấp: Thở không đều, thở mệt.

Chẩn đoán tay-chân-miệng

Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ có thể xác định dấu hiệu loét miệng do bệnh tay-chân-miệng gây ra bằng cách xem xét những triệu chứng trẻ mắc phải và các biểu hiện bóng nước ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông.

Phân loại tay-chân-miệng trẻ em theo mức độ nặng của bệnh:

Độ 1: Là bệnh tay-chân-miệng thể nhẹ, chỉ gây loét miệng và/ hoặc tổn thương da. Đa số các trường hợp độ 1 có thể điều trị ngoại trú và theo dõi tại cơ sở y tế. Tuy nhiên, độ 1 cần phải nhập viện khi có một trong các dấu hiệu nặng.

Độ 2,3,4: Trẻ có dấu hiệu sốt cao, giật mình, có các biến chứng hô hấp, tim mạch, thần kinh. Đây là các cấp độ bệnh nặng, trong đó độ 3,4 rất nặng, trẻ cần được nhập viện.

Điều trị và chăm sóc trẻ mắc tay-chân-miệng

Độ 1:

+ Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ, nếu trẻ đang trong giai đoạn còn bú mẹ thì tiếp tục trẻ bú sữa mẹ..

+ Hạ sốt khi sốt cao

+ Vệ sinh răng miệng sạch sẽ.

+ Cho trẻ nghỉ ngơi, tránh kích thích.

+ Tái khám sau mỗi 1-2 ngày cho đến khi trẻ hết sốt ít nhất 48 giờ nếu trẻ có sốt.

+ Cần tái khám ngay nếu sốt cao trên 39 độ, thở nhanh, khó thở, giật mình, lừ đừ, da nổi bông, co giật, hôn mê…

Độ 2,3,4: bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện/ cơ sở y tế để được xử trí phù hợp, tránh nguy cơ để xảy ra biến chứng nguy hiểm.

Phòng ngừa bệnh tay-chân-miệng:

– Thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước tiểu, nước bọt của trẻ)

– Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ đồ chơi, vật dụng, sàn nhà. Làm sạch và khử trùng các bề mặt trẻ thường xuyên chạm vào (tường, nền nhà, drap trải giường, bàn ghế, tay nắm cửa) và các vật dụng của trẻ (đồ chơi, máy tính bảng).

– Khi trẻ nhiễm bệnh, cần cách ly trẻ tại nhà, không để trẻ đến nơi trường học hay nơi đông người

Ngay khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu bất thường, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để trẻ được kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh xảy ra những biến chứng nguy hiểm.

Khoa Nhi Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc tự hào là điểm đến đầy tin cậy của các gia đình trong việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Mỗi dịch vụ hoặc sản phẩm chăm sóc y tế dành cho trẻ em tại Hạnh Phúc đều phải đảm bảo tiêu chí: “Tận tâm, chuyên nghiệp và tiện nghi” nhằm mang đến cảm giác yêu thương và gần gũi cho trẻ cũng như đảm bảo quá trình chăm sóc, điều trị đạt hiệu quả tối ưu.

Để được tư vấn về các dịch vụ nhi khoa hoặc để đặt lịch hẹn khám cho bé, ba mẹ vui lòng liên hệ:

HOTLINE TƯ VẤN – ĐẶT HẸN: 1900 6765

————————
Thông tin liên hệ:

Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc
18 Đại Lộ Bình Dương, Thành phố Thuận An, Tỉnh Bình Dương
Trung tâm Chăm sóc Sức khoẻ Quốc tế Hạnh Phúc – Q.1
97 Nguyễn Thị Minh Khai, P. Bến Thành, Quận 1, TP.HCM
Phòng khám Quốc tế Hạnh Phúc – Q.2
Lầu 5 – Estella Place, 88 Song Hành, P. An Phú, TP. Thủ Đức (Q.2 cũ), TP.HCM
Website: www.hanhphuchospital.com
Hotline: 1900 67 65