Truyền thông

Nguyên Tắc Dinh Dưỡng Cho Trẻ Trong Dự Phòng Covid-19

18/08/2021

NGUYÊN TẮC DINH DƯỠNG CHUNG TRONG PHÒNG BỆNH CHO BÉ

Để đối phó với nguy cơ COVID-19 xâm nhập làm hại cơ thể, cả người lớn và trẻ em đều cần bảo vệ từ bên ngoài và bên trong cơ thể. Bên cạnh các biện pháp dự phòng lây nhiễm COVID – 19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và duy trì một lối sống tích cực, lành mạnh đặc biệt là những gia đình có con nhỏ đóng vai trò hết sức quan trọng giúp nâng cao miễn dịch và phòng chống dịch bệnh.

Các tế bào của hệ thống miễn dịch trong cơ thể không chỉ được tạo ra từ một số chất nhất định mà được cấu thành từ rất nhiều chất dinh dưỡng như protein (hay gọi là chất đạm), các vitamin A, vitamin C, vitamin D, các vitamin nhóm B…các khoáng chất như sắt, kẽm, mangan, đồng…Tất cả các thành phần dinh dưỡng này đều giúp hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả. Vitamin A giúp biệt hóa tế bào biểu mô nên cơ thể thiếu hụt vitamin A dễ gây nhiễm khuẩn; Vitamin E là chất chống oxy hóa, bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương; Sắt giúp chống lại các bệnh truyền nhiễm, Kẽm giúp tăng cường miễn dịch, làm lành vết thương và tăng vị giác…

Trẻ có một sức khỏe tốt, hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp cơ thể phòng, chống lại dịch bệnh

Theo lời khuyên dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia, “cân bằng dinh dưỡng” là chìa khoá để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể trong mùa dịch. Bộ Y tế khuyến cáo người dân, cả người lớn cũng như trẻ em áp dụng theo công thức dinh dưỡng 4-5-1 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia như sau: 

  • Chế độ ăn cân đối 4 yếu tố: Cân đối giữa 3 nhóm chất sinh năng lượng; cân đối về protein (giữa đạm động vật và thực vật); cân đối về lipid (giữa lipid động vật và lipid thực vật); cân đối về vitamin và khoáng chất.
  • Đảm bảo tính đa dạng của bữa ăn: cần phải có ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm, bao gồm: nhóm lương thực (gạo, mì, bún, phở, nui, hủ tíu, miến,…); nhóm đạm động vật (thịt các loại, cá, hải sản); nhóm các loại hạt (đậu, đỗ, vừng, lạc); nhóm trứng và các sản phẩm của trứng; nhóm sữa và các sản phẩm từ sữa; nhóm củ quả màu vàng, da cam, màu đỏ (cà rốt, bí ngô, gấc, cà chua) hoặc rau tươi có màu xanh thẫm; nhóm rau củ quả khác (su hào, củ cải…) cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ; Và nhóm dầu ăn, mỡ các loại là nguồn cung cấp năng lượng và các axít béo cần thiết cho cơ thể.
  • Một bữa ăn hoặc dinh dưỡng trong một ngày cần sự hài hòa giữa các nhóm chất và thực phẩm. 
Ảnh: Sức Khoẻ Đời Sống

DINH DƯỠNG PHÒNG BỆNH CHO TRẺ THEO ĐỘ TUỔI

Đối với nhóm trẻ dưới 6 tháng do cần bú mẹ hoàn toàn theo nhu cầu nên chế độ dinh dưỡng quan trọng nhất là chế độ ăn của mẹ. Người mẹ đang cho con bú phải ăn đúng bữa (3 chính, 2-3 bữa phụ), ăn đủ các nhóm thực phẩm đã nêu trên và ăn càng đa dạng thực phẩm càng tốt. Mẹ tiếp tục uống Multivitamin như lúc có thai, ngủ đủ giấc, vận động nhẹ nhàng. Mẹ cũng cần cho bé bú đúng cách, biết cách duy trì nguồn sữa.

Chế độ dinh dưỡng quan trọng nhất cho trẻ dưới 6 tháng tuổi là chế độ ăn của mẹ

Khi trẻ bước vào tuổi ăn dặm (6 tháng tuổi trở lên), trẻ chưa ăn được nhiều trong khi dự trữ sắt từ mẹ cho trẻ qua bào thai đã giảm, vì vậy trẻ dưới 1 tuổi thuộc đối tượng có tỷ lệ thiếu máu dinh dưỡng cao (khoảng 30% – theo nghiên cứu năm 2008 của TTDD), dễ suy giảm sức đề kháng dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Do đó, khi tập ăn dặm cho trẻ, mẹ cần tăng dần từ 1 nhóm thực phẩm lên cho đủ 4 nhóm thực phẩm mỗi bữa ăn (tinh bột, đạm, rau củ, béo), tiếp tục cho trẻ bú mẹ nhiều lần, chú ý cho trẻ uống thêm nước trái cây, hoặc trái cây nạo để được bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất.

Trẻ dưới 1 tuổi dễ suy giảm sức đề kháng dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn

Các nhóm thực phẩm giúp tăng cường hệ thống miễn dịch cho trẻ ở mọi lứa tuổi:

  • Nhóm thực phẩm giàu đạm như thịt cá tôm cua trứng sữa, các loại đậu đỗ giúp cung cấp các acid amin, sắt, kẽm – là thành phần chính của kháng thể, giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. 
  • Các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá trích.. thuộc nhóm chất đạm còn cung cấp glutamine và acid béo omega-3 dồi dào giúp cải thiện sức đề kháng, vì vậy nên cho trẻ ăn nhóm thực phẩm này ít nhất 2 lần mỗi tuần.
  • Nhóm thực phẩm giàu vitamin C (như bưởi, ổi, dâu tây, chanh, cam…và  rau xanh như rau ngót, rau cải, mồng tơi…) là các chất chống oxy hóa mạnh, tăng sức bền thành mạch, tăng khả năng chống nhiễm khuẩn.
  • Nhóm thực phẩm giàu vit nhóm B trong các loại ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, gạo mầm… có tác dụng tăng cường chuyển hóa các chất dinh dưỡng để sinh năng lượng.
  • Vitamin A có nhiều trong gan, thịt, trứng… giúp biệt hóa tế bào biểu mô – là hàng rào quan trọng bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi trùng.
  • Vitamin D có nhiều trong cá tuyết, cá hồi, lòng đỏ trứng, nấm… có vai trò tăng sản xuất hormone điều hòa miễn dịch và hormone biệt hóa tế bào Lympho, giúp hỗ trợ sức đề kháng cho trẻ. 
  • Các men vi sinh Probiotic (có trong sữa chua, phô mai mềm lên men) làm nhiệm vụ thiết lập lại cân bằng tự nhiên trong hệ tiêu hóa, chúng cạnh tranh chất dinh dưỡng với các vi khuẩn gây bệnh để duy trì và phát triển, chúng bám vào thành ruột, tăng cường chức năng chống đỡ của niêm mạc ruột, ngăn ngừa các vi khuẩn có hại tấn công và phát triển; dẫn đến tăng cường hệ thống miễn dịch.

An tâm chăm sóc sức khoẻ và đặt lịch hẹn khám an toàn, nhanh chóng cho bé ngay cả trong mùa dịch với ỨNG DỤNG DI ĐỘNG “???? ???? ????????” – Trợ lý y khoa cho cả gia đình!
> Tải ứng dụng “Hanh Phuc Hospital” TẠI ĐÂY
> Xem thêm thông tin về ứng dụng TẠI ĐÂY