Truyền thông

[Nhật Ký Bác Sĩ] Người Thầy Thuốc Giỏi Đồng Thời Là Người Mẹ Hiền

08/03/2015

Cứ mỗi dịp 8/3, mỗi người trong chúng ta lại nhớ và tri ân đến những người phụ nữ đang hàng ngày thầm lặng chăm sóc cho hạnh phúc và sức khỏe của gia đình. Nhân dịp này, chúng tôi ghé thăm khoa nhi để phỏng vấn bác sĩ Đào Thị Yến Thủy – một trong những người “mẹ chung” đang thầm lặng chăm lo sức khỏe của các em bé Hạnh Phúc, để lắng nghe chia sẻ của bác sĩ khi vừa đảm đương vai trò làm mẹ, làm vợ trong gia đình vừa gánh vác trách nhiệm “người mẹ hiền” cống hiến cho ngành y, cống hiến chăm lo sức khỏe cho những đứa con chung.

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy hiện đang là cố vấn cao cấp Chuyên Khoa Dinh Dưỡng của Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khám và tư vấn, công tác truyền thông, giảng dạy về dinh dưỡng và sức khỏe. Bác sĩ thường xuyên xuất hiện trên rất nhiều đầu báo, các kênh truyền hình và phát thanh của thành phố, trung ương và các tỉnh thành lân cận trong các chuyên mục về dinh dưỡng và sức khỏe.

– Nhiều cha mẹ khi gửi gắm thăm khám tại Hạnh Phúc bảo “con mình là con chung của các bác sỹ Hạnh Phúc”, bác sỹ có thể chia sẻ cái duyên làm “mẹ chung” này được không:

Tôi cũng như các bác sĩ Nhi khoa và Sản khoa của Hạnh Phúc, có rất nhiều con gọi chúng tôi bằng mẹ, vì chúng tôi chăm chút cho các cháu từ khi còn ở trong bào thai. Từ khi mẹ các cháu mang thai đến khám sức khỏe dinh dưỡng, chúng tôi rất kỹ lưỡng dặn dò từng chút một từ việc ăn uống, chích ngừa, dùng thuốc cho tới vệ sinh, phòng bệnh, đi bộ, tư thế nằm ngủ cho dễ thở, … Sau khi sinh, các bà mẹ lại cứ xin khám lại bác sỹ để chúng tôi được tiếp tục chăm sóc cho các cháu. Các cháu suy dinh dưỡng, bệnh hoài, còi cọc mà chúng tôi may mắn giúp các cháu ăn uống giỏi, lên cân nhanh, hết bệnh, … cả mẹ và bác sĩ đều mừng không kể xiết. Có nhiều ba mẹ con lớn lắm rồi, một khoảng thời gian dài vẫn nhớ và gọi hỏi thăm bác sỹ, nhiều phụ huynh bảo bác sĩ “mát tay”, “hợp” với con của họ nghe mà sướng trong lòng, mát ruột mát gan, bao nhiêu mệt mỏi như tan biến hết.

 – Là con gái nhưng lại trúng tuyển và theo ngành Y, ngày xưa gia đình và thầy cô của bác sĩ đã đón nhận điều đó như thế nào: 

Cách đây hai mươi mấy năm, nhưng tôi còn nhớ như in khi nhận được tin trúng tuyển vào hai đại học một lúc, trong đó có cả trường học Y khoa mơ ước, mẹ tôi là người mừng nhất, thức cả đêm để nói chuyện với tôi về việc mua xe máy cho tôi đi học xa, làm tiệc mừng mời người này người nọ, … vì trong họ nhà tôi không có ai làm ngành y cả.

Tôi còn nhớ hồi đó tính ra 1 người đậu Y là phải “địch” với 300 thí sinh khác. Tôi cũng chạy về trường cấp 3 để khoe với cô giáo. Sau khi chúc mừng cô lại bảo “Nghề của em không sướng bằng cô đâu. Xung quanh cô luôn là những nụ cười tươi trẻ, còn những ai bị đau đớn, bệnh tật mới đến với em…” càng làm tôi càng thấm thía nghề nào cũng có cái nghiệp đó! (cười)

– Nghiệp ạ? (cười)

Nghề nào cũng có cái nghiệp đó! Nghiệp này có lẽ sẽ theo mình suốt đời. Vì vậy phải chăm chút cho cái nghiệp của mình. Phải học liên tục. Rồi biết được chút gì phải nên nói ra, viết ra, để giúp ích chỉ một vài người trong cuộc sống này là cũng được rồi.  Làm bác sĩ bị rất nhiều áp lực. Nhất là khi gặp những trường hợp bệnh khó, hoặc bệnh nhân chờ đông quá… Rồi nuôi con nữa…

 – Bác sĩ vừa là một trong những chuyên gia dinh dưỡng xuất hiện trên các đầu báo và nhiều kênh truyền hình, vừa là một người phụ nữ phải chăm lo con cái và cuộc sống gia đình, bác sĩ đã gặp những khó khăn và áp lực gì, cũng như vượt qua nó ra sao:

Trong cuộc sống đôi lúc cũng có nhiều điều ngộ nghĩnh. Thật không biết nên trả lời sao khi mọi người hỏi “Bác sĩ mà cũng bệnh hả?” hoặc “Con của bác sĩ mà cũng bị bệnh hở?”. Vừa ngượng cũng vừa tức, vì ai mà không bị bệnh cơ chứ!

Học Y khoa, biết nhiều về bệnh tật thì rất có lợi, nhưng đôi khi cũng hại thân vì biết nhiều lại lo nhiều hơn. Con bị bệnh nhẹ nhưng cũng cứ nghĩ tới những bệnh nặng hơn để theo dõi. Bể học mêng mông, nên càng học nhiều càng thấy kiến thức có được của mình chưa là bao nhiêu cả.

Mẹ làm bác sĩ dinh dưỡng mà có con suy dinh dưỡng hay béo phì thì buồn chết. Những khi đi báo cáo chuyên đề với đồng nghiệp, nói chuyện với người dân về cách phòng chống thừa cân béo phì, ăn sao cho da đẹp … thì bản thân luôn phải “làm gương”, cũng phải tuân thủ các nguyên tắc chặt chẽ để gắng giữ sao cho da dẻ luôn mịn màng, dáng hình thon thả… thì nói người ta mới tin chứ.

Biết rõ về thực phẩm và nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý, nhưng không phải vậy là dễ dàng thiết lập một chế độ ăn cho mình và cho mọi người, vì thể trạng, thói quen, sở thích, điều kiện mỗi người mỗi khác. Và lý thuyết đúng là vậy, nhưng thực hành theo được không phải là chuyện dễ. Nói chung, nếu bạn có một chế độ ăn đa dạng, giúp bạn có cân nặng lý tưởng so với chiều cao của mình và duy trì tốt, hạn chế ít nhất nguy cơ bệnh tật… thì đó là dinh dưỡng hợp lý.

Chúc các bạn nhiều sức khỏe và biết cách dự phòng bệnh tật, để cánh bác sĩ chúng tôi “thất nghiệp” dài dài nhé.